1. Giới thiệu

Trong phần trước mình đã giới thiệu IoT là gì, cách hoạt động và ứng dụng của IoT trong đời sống. Có hàng tỷ thiết bị khác nhau kết nối vào môi trường IoT, một vấn đề được đặt ra ở đây là làm thế nào để có thể kết nối và quản lý các thiết bị một cách hiệu quả. Để giải quyết vấn đề này hiện nay nhiều công ty đã xây dựng và cung cấp các IoT platform (nền tảng IoT) cho người dùng sử dụng. Vậy IoT platform là gì chúng ta cùng nhau tìm hiểu.

2. Định nghĩa

IoT platform là trung tâm của việc triển khai IoT, là một phần mềm để khai báo, định nghĩa thiết bị  phần cứng, các giao thức kết nối và các ứng dụng phần mềm khác. Nó cung cấp một giải pháp hiệu quả cho việc quản lý và cấu hình thiết bị, thu thập và phân tích dữ liệu, có khả năng kết nối với các dịch vụ đám mây và tích hợp với điện thoại thông minh và các thiết bị khác của người sử dụng.

3. Thành phần cơ bản

Có rất nhiều các IoT platform khác nhau, tuy nhiên hầu hết tất cả đều có các thành phần cơ bản chung giống nhau:

  • Thiết bị kết nối: Chúng là các loại máy móc, cảm biến hay các thiết bị kết nối khác thực hiện một hành động cụ thể: thu thập dữ liệu, kết nối với nhau, truyền và nhận dữ liệu, ...
  • Phương thức kết nối: Dựa trên mạng viễn thông mà các thiết bị có thể kết nối, giao tiếp được với nhau và với server/cloud. Điều này phụ thuộc vào yêu cầu của dự án IoT từ đó chọn ra phương thức kết nối hiệu quả nhất.
  • Xử lý dữ liệu: Được xử lý ở trên server/cloud. Nhận dữ liệu từ các thiết bị, từ đó phân tích và đưa ra hành động sẽ được thực hiện trong IoT platform.
  • Giao diện: Cung cấp cho người dùng một giao diện trực quan để có thể tương tác và nhìn thấy được hoạt động của toàn bộ hệ thống.

Các IoT platform đảm bảo việc tích hợp liền mạch các phần cứng khác nhau bằng cách sử dụng một loạt các giao thức giao tiếp phổ biến (như MQTT, HTTP, CoAP, …). Sử dụng các API do IoT platform cung cấp, ta có thể tải dữ liệu IoT thu thập được vào các hệ thống phân tích, lưu trữ hoặc xử lý dữ liệu tới các thiết bị được kết nối hoặc truyền dữ liệu giữa chúng bằng việc sử dụng các loại ứng dụng người dùng khác nhau.

4. Tiêu chí đánh giá

Dưới đây là một số tiêu chí quan trọng để đánh giá xem liệu một IoT platform có thật sự tốt hay không:

  • Tính khả mở: Cho phép chạy trên các thiết bị có nền tảng hệ điều hành khác nhau.
  • Dễ sử dụng: Cung cấp một giao diện dễ nhìn, thân thiện, cung cấp các API đa dạng để người dùng có thể tùy chỉnh hệ thống theo cách riêng.
  • Tương tác và thích hợp: Cung cấp khả năng xử lý nhiều loại thiết bị phần cứng thông qua nhiều loại giao thức kết nối để truyền dữ liệu cho server/cloud.
  • Tính bảo mật: Mã hóa thông tin truyền giữa các thiết bị với server/cloud, kiểm soát quyền truy cập vào hệ thống, bảo mật dữ liệu lưu trữ, ...
  • ...

5. Ứng dụng

Các IoT platform góp phần xây dựng những ứng dụng to lớn và được sử dụng rộng rãi. Ví dụ như trong ngành vận tải, IoT platform giúp tiết kiệm chi phí, thông qua việc giám sát thiết bị và phương tiện vận tải, dự đoán bảo trì thiết bị, thu thập dữ liệu cảm biến để phân tích theo thời gian thực và đảm bảo an toàn. Hay trong việc xây dựng thành phố thông minh, phát triển cơ sở hạ tầng IoT và sử dụng IoT platform để cung cấp các dịch vụ như: xe hơi nối mạng, đo điện thông minh, giám sát chất lượng không khí toàn thành phố và nhiều thứ khác.

6. Phân loại IoT platform

IoT platform được chia thành hai loại đó là private IoT platform và public IoT platform, điều này phụ thuộc vào việc các nhà cung cấp có công bố ra bên ngoài hay không. Một số public IoT platform phổ biến đó là: openHAB, Home Assistant, Thingsboard, … Trong phần sau mình sẽ giới thiệu về một public IoT platform phổ biến đó là openHAB.

Cảm ơn các bạn đã quan tâm!

Tài liệu tham khảo

What is an Internet of Things Platform?
https://static.javatpoint.com/tutorial/iot/images/iot-platform.png