Dạo gần đây, trong lĩnh vực tiền điện tử, hẳn bạn cũng đã nghe đâu đó về cụm từ Lightning Network. Vậy Lightning Network là gì và hoạt động ra sao, chúng ta cùng tìm hiểu nhé.

 I  Nhìn lại sự khó khăn trong mạng lưới của Bitcoin

Như các bạn đã biết, mạng lưới Bitcoin là mạng lưới kiểu Blockchain. Tức là một mạng lưới được cấu tạo từ nhiều block, mỗi block được nối kết với nhau nên gọi là chain (chuỗi). Block sau sẽ chứa 1 phần thông tin của block ngay trước nó, phần thông tin đó sẽ phải giống nhau ở 2 block. Chính vì có sự kết nối này nên ta mới gọi là blockchain.
Khi bạn muốn chuyển Bitcoin cho người khác, bạn sẽ cần phải tạo ra 1 giao dịch (transaction). Trong transaction này sẽ chứa thông tin địa chỉ gửi, địa chỉ đến, số tiền muốn gửi và phí chuyển (fee). Sau khi transaction được tạo, nó sẽ được đẩy vào 1 block nào đó và chờ đợi để được xử lý (chờ được mining).
Hiện tại 1 block thì chỉ có kích thước tầm 1MB. Điều này có nghĩa là 1 block chỉ chứa được 1 vài transaction. Khi số lượng transaction tăng lên, thì số lượng block được tạo ra cũng tăng lên và xếp hàng chờ xử lý.
Về phía bên bộ phận xử lý (mining) thì sao? Liệu nó có xử lý nhanh không? Hiện nay, trung bình 10 phút thì sẽ có 1 block được xử lý. Như vậy cũng đủ cho thấy sẽ có rất nhiều giao dịch phải chờ đợi và chờ đợi cực lâu để được xử lý, đôi khi mất cả hơn 1 ngày đấy. Chưa kể nếu bạn trả fee cao cho giao dịch của mình thì giao dịch của bạn sẽ được ưu tiên xử lý sớm.
Chính vì vậy, Lightning Network được tạo ra để giải quyết vấn đề chậm chạp trên.

 II  Lightning Network là gì

Nếu blockchain của bitcoin là mạng lưới chính, thì Lightning Network sẽ là mạng lưới phụ của bitcoin. Nó không phải là mạng lưới hoàn toàn mới, hoàn toàn độc lập với blockchain, mà giống như kỹ thuật phân tầng trong công nghệ blockchain.
Tính năng chính của Lightning Network là giải quyết ngay lập tức. Hiện tại nó đang được test và coi là giải pháp cho các đồng như Bitcoin, Litecoin...

 III  Lightning Network hoạt động ra sao

Lấy ví dụ như sau:
A là người đi mua cafe, B là chủ shop cafe. Nếu A thanh toàn bằng Bitcoin và dùng mạng lưới hiện nay để gửi bitcoin cho B, thì vấn đề xảy ra là khi nào B mới nhận được tiền vì thời gian xử lý giao dịch khá lâu, chưa kể ly cafe có tầm 30k mà fee giao dịch khá cao hơn nhiều so với ly cafe.
Nên thay vì dùng mạng lưới chính của bitcoin, A và B sẽ dùng mạng lưới Lightning Network.
Lúc này, A và B sẽ mở ra 1 kênh giao dịch riêng. Khi A chuyển tiền cho B, thông tin thanh toán sẽ được ghi vào cuốn sổ riêng của cả A và B. Và cứ thế A cứ mua cafe và thanh toán cho B. Giao dịch xảy ra tức thì, nhưng tất cả chỉ trên mạng lưới phụ Lightning Network thôi, chứ trên mạng lưới chính của Bitcoin thì vẫn chưa được update. Đến cuối tuần, B muốn nhận toàn bộ số tiền của A trên mạng lưới chính, lúc này, B sẽ đưa cuốn sổ của mình lên mạng lưới chỉnh và chờ xử lý. Lúc này các giao dịch sẽ được tính tổng và giải quyết chung 1 lúc thay vì giải quyết từng giao dịch.
Nhưng rồi nếu có người C đến cửa hàng của B để mua cafe và muốn thanh toán bằng bitcoin, lúc này nếu B lại tạo ra 1 kênh riêng với C thì hơi phiền, vì không chỉ A với C mà sẽ còn nhiều khách khác và cứ thế mỗi người khách một kệnh thì B sẽ quản lý khá mệt. Do đó C có thể mượn kênh của A để thanh toán B, như vậy B sẽ giảm bớt được kênh giao dịch.
■ A -> B
■ C -> A -> B
■ D -> A -> B
Khi C mượn kênh của A để thanh toán cho B, tất nhiên với cơ chế của Lightning Network, thì giao dịch đó sẽ hoàn toàn tự động chuyển từ C sang A rồi tự động chuyển tiếp cho B. A không phải can thiệp bất cứ gì.

 IV  Hạn chế của Lightning Network

Nhưng mà khoan hãy vui mừng, vì Lightning Network vẫn đang có một hạn chế khá lớn đấy. Đó là số tiền giao dịch đang bị hạn chế. Tức là mỗi một giao dịch chỉ được phép chuyển tối đa tầm \$20. Nếu A muốn thanh toán một số tiền lớn hơn là \$50 thì sao. Tất nhiên cũng sẽ có cách. Là A sẽ mượn các kênh bạn để gửi chia nhỏ số tiền \$50 ra và gửi cho B.

Thao tác tìm mượn các kênh bạn sẽ do Lightning Network thực hiện, A không phải quan tâm vấn đề đó, A chỉ cần thao tác gửi $50 cho B, Lightning Network sẽ tự động chia nhỏ số tiền và tìm các kênh liên kết với B để gửi cho B số tiền đó, B cũng ko cần quan tâm tiền nhận từ những kênh nào.

Lúc này lại có thêm vấn đề xảy ra. Nếu A muốn gửi số tiền lên đến $5000 thì sao nhĩ, tất nhiên là Lightning Network vẫn OK, nhưng có thấy phiền phức không khi phải chia nhỏ quá nhiều phần, và nó cũng sẽ dẫn đến việc làm chậm giao dịch. Vậy thì có cách gì để giải quyết không.

Các bạn có nghe nói đến Liquid Network chưa. Vâng, là nó đó. Nó là giải pháp cho sự phiền phức trên.

 V  Liquid Network là gì

Nó cũng giống như Lightning Network, đều là mạng lưới phụ cho Bitcoin. Nhưng nếu Lightning Network là chuyển dùng cho C2C thì Liquid Network được sinh ra để dành cho B2B. Tức là dành cho những công ty lớn hay các sàn giao dịch khi bạn muốn gửi một lượng tiền lớn và nhanh. Liquid Network cũng được lập trình trên công nghệ của Bitcoin, do đó độ tin cậy khá cao. Ngoài ra, nó còn có chức năng giấu đi lượng tiền giao dịch, nên được đánh giá có tính bảo mật cao.

 VI  Kết luận

Hiện tại thì hay mạng lưới Lightning Network và Liquid Network vẫn đang được chạy test. Mình cũng hy vọng trong tương lai gần, Bitcoin sẽ sớm đưa Lighting Network vào thực tế, lúc đó các giao dịch sẽ gần như là ngay lập tức và chi phí cực rẻ.

 VII  Tham khảo

https://diar.co/volume-2-issue-25/
https://blockstream.com/liquid/